CÔNG NGHỆ AI TRONG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG

Giới thiệu
Nghiên cứu phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Quản lý và điều hành giao thông là một trong những mũi nhọn nghiên cứu của Khoa Công trình, trường Đại học Giao thông vận tải. Chương trình nghiên cứu này phù hợp với xu thế của Cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0 và Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030 vừa được ban đầu năm 2021 theo Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, ban hành ngày 26 tháng 01 năm 2021.
Nhiều giải pháp bao gồm cả phần cứng, phần mềm đã và đang được phát triển có khả năng thu thập các dữ liệu giao thông một cách tự động bao gồm các dữ liệu về dòng xe như lưu lượng, thành phần xe chạy, tốc độ, mật độ và các hành vi người tham gia giao thông trong điều kiện giao thông ở Việt Nam. Các dữ liệu này cần thiết cho các công tác tổ chức giao thông, an toàn giao thông, lập dự án xây dựng công trình giao thông, lập kế hoạch bảo trì, đánh giá hiệu quả đầu tư công trình giao thông, kiểm tra, đánh giá công tác thu phí đường bộ và giám sát giao thông. Các giải pháp này còn góp phần phục vụ phát triển giao thông thông minh, thành phố thông minh.
Trong nhiều thập kỷ gần đây công nghệ thu thập dữ liệu giao thông dựa trên các kỹ thuật phân tích hình ảnh thông thường trên máy tính là một công nghệ được nhiều nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên các kỹ thuật này có nhiều nhược điểm, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ánh sáng, chất lượng hình ảnh, không giải quyết được các bài toán lưu lượng lớn và nhiều loại đối tượng giao thông phức tạp. Hơn nữa các mô hình đã được phát triển thường là cố định khó thay đổi. Do đó, các kỹ thuật này không giải quyết được các vấn đề điều kiện giao thông hỗn hợp rất phức tạp ở Việt Nam.
Khác biệt với các các kỹ thuật phân tích hình ảnh trước đây, các công ghệ phân tích hình ảnh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo đã được phát triển bởi các giảng viên trong Khoa công trình có khả năng nhận dạng và phân loại các phương tiện chính xác các phương tiện giao thông trong nhiều điều kiện giao thông phức tạp ở Việt Nam và với nhiều điều kiện thời tiết, ánh sáng và chất lượng hình ảnh khác nhau. Đặc biệt các mô hình này có khả năng “đào tạo” được để ngày một thông minh hơn và có độ chính xác cao hơn.
Về mặt giáo dục và đào tạo, các nghiên cứu này là nền tảng cơ bản và vững chắc để phát triển các ngành học và các nghiên cứu khác liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật giao thông Đường bộ để tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Chuyên gia đại diện:
- Đặng Minh Tân – Bộ môn Đường Bộ, email: tandang@utc.edu.vn, ĐT: 0983996556
Hợp tác:
Phòng nghiên cứu Interchange , Đại học Nagoya, Nhật Bản.





