
10 NĂM 3800 KM ĐƯỜNG CAO TỐC: NÂNG TẦM VỊ THẾ CỦA KỸ SƯ CẦU ĐƯỜNG, KHOA CÔNG TRÌNH – TRƯỜNG ĐH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều tối ngày 3 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin: Thủ tướng đánh giá đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 là một việc rất khó, nhiệm vụ đặt ra trong 10 năm tới phải làm được 3800 km. Đây là một phần quan trọng trong việc triển khai ba đột phá chiến lược để đất nước đi lên. Dù khó nhưng cả hệ thống chính trị và nhân dân phải vào cuộc để thực hiện thành công đúng với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã giao. Mục tiêu làm được hơn 3800 km đường cao tốc trong 10 năm tới, “dù khó nhưng phải thực hiện thành công” – Thủ tướng yêu cầu.
Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn- Nguồn phát hành: VnExpress; Ảnh: Minh Cương
Với quyết tâm cao của chính phủ, chúng ta luôn tin tưởng rằng các giải pháp mạnh mẽ sẽ được đưa ra để đảm bảo việc huy động nguồn vốn dồi dào cho mục tiêu quan trọng mang tầm chiến lược này. Đó là vấn đề về kinh tế. Về phía kỹ thuật: một khối lượng lớn những đoạn tuyến đường, những công trình cầu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo. Các vấn đề này cần được xem xét từ phương án tuyến, kiểu dáng kết cấu các công trình đến việc áp dụng các công nghệ vật liệu mới, công nghệ thi công và phương thức quản lý dự án hiện đại. Công tác này đòi hỏi sự tập trung trí tuệ và chất xám của toàn ngành giao thông vận tải và tạo ra một nhu cầu lớn về nhân lực kỹ sư công trình giao thông vận tải chất lượng cao.
Nút giao Cổ Linh – Nguồn: Tiền Phong
KT Hầm trên Cao tốc Đồng Đăng – Trà LĩnhNguồn: A2Z
Bên cạnh những yêu cầu về kỹ thuật, hệ thống đường cao tốc còn đòi hỏi những hình dáng kiến trúc đẹp hài hoà với địa hình, cảnh quan khu vực. Đây là nơi mà những kỹ sư phát huy hết sự hiểu biết tinh túy tổng hoà về kỹ thuật, mỹ thuật, kiến trúc và văn hoá.
Trong xu thế phát triển, Khoa Công trình trường Đại học Giao thông vận tải đã tiến hành những bước đi từ rất sớm nhằm đáp ứng đầy đủ cho những yêu cầu này. Ngoài truyền thống giảng dạy, Khoa tổ chức đào tạo gắn với ứng dụng khoa học thực tiễn như đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các tổ chức và đơn vị trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, Khoa đã tiến hành xây dựng đổi mới nội dung chương trình, nội dung hình thức giảng dạy theo hướng hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành (CDIO), phát triển các lớp kỹ sư tài năng. Với những bước đi tiên phong, Khoa Công trình mong muốn cùng với độ ngũ kỹ sư do Khoa đào tạo góp phần vào các giải pháp đột phá phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tham kiến phương án hầm cho DA cao tốc Nha Trang – Cam Lâm tại phòng thí nghiệm Hầm và Công trình ngầm giao thông Hàn Quốc – Nguồn: Hyundai E&C (Hàn Quốc)