Tên tiếng Việt: Bộ môn Đường ô tô và Sân bay
Tên tiếng Anh: Division of Highway and Airport Engineering
1.THÔNG TIN LIÊN HỆ
Địa chỉ: Phòng 207, nhà A6, Đại học GTVT
Email: duongotovasb@gmail.com
Điện thoại:(+84) 24.3766.5160
Trưởng Bộ môn: TS. Vũ Đức Sỹ
Facebook Fanpage: Bộ Môn Đường Ôtô & Sân Bay - ĐH GTVT
2.LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Bộ môn Đường Ôtô và Sân bay được thành lập vào tháng 6 năm 2004, tiền thân được tách ra từ Bộ môn Đường Bộ (khoa Công Trình, Trường Đại học GTVT) do yêu cầu cấp thiết của chuyên ngành Xây dựng Đường ôtô và Sân bay.
Sau hơn 15 năm thành lập, đến nay Bộ môn đã có những bước phát triển nhanh và bền vững,với nhiều đóng góp cho hoạt động đào tạo và NCKH. Bộ môn đã nhận được các bằng khen, giấy khen của Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Trường ĐH GTVT.
3.ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN
Hiện nay, Bộ môn Đường ô tô và Sân bay có đội ngũ cán bộ giảng dạy trình độ cao gồm 01 Giáo sư, 06 Tiến sĩ, 09 Thạc sĩ cùng các chuyên gia thỉnh giảng cao cấp từ các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước sẽ đáp ứng được ước mơ của các bạn sinh viên mong muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Hiện nay Bộ môn đang phụ trách đào tạo cho cả hai cơ sở của Trường ĐHGTVT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
4.CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC
Hiện nay, Bộ môn đang phụ trách 02 chuyên ngành đào tạo bậc đại học gồm:
- XÂY DỰNG ĐƯỜNG ÔTÔ VÀ SÂN BAY
- XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG ÔTÔ VÀ SÂN BAY
Kỹ sư ĐƯỜNG Ô TÔ VÀ SÂN BAY cũng như CẦU ĐƯỜNG Ô TÔ VÀ SÂN BAY được trang bị kiến thức cơ sở và chuyên sâu về chuyên ngành Đường ô tô, Sân bay và Cầu, gồm:
- Thiết kế, thi công, quản lý và khai thác công trình đường ô tô (Đường ô tô ngoài đô thị, Đường đô thị, Đường cao tốc);
- Quy hoạch, thiết kế, xây dựng và bảo trì các Cảng hàng không, Sân bay;
- Thiết kế và thi công các công trình Cầu.
Hàng năm, Bộ môn đào tạo gần 300 kỹ sư thuộc hai chuyên ngành Đường Ôtô & Sân bay, Cầu đường Ôtô & Sân bay gồm các hệ đào tạo Chính quy, Bằng II, Vừa làm vừa học và Liên thông tại cả cơ sở Hà Nội và Phân hiệu ĐHGTVT tại TP.Hồ Chí Minh. Rất nhiều các kỹ sư ra trường đều đang công tác và phát triển tốt, nhiều người giữ các vị trí trọng trách tại Bộ GTVT, các Sở GTVT, các Ban QLDA, các Tổng công ty, v.v...
5.CHUYÊN NGÀNH ĐẠO TẠO SAU ĐẠI HỌC
Đối với đào tạo Cao học, Bộ môn hiện đang phụ trách 01 chuyên ngành đào tạo Cao học XÂY DỰNG SÂN BAY. Từ năm 2008 đến nay, Bộ môn thực hiện chương trình đào tạo Thạc sĩ cho Chuyên ngành này và đã đào tạo được 15 khóa Cao học với tổng số hơn 300 học viên đã bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ.
6. HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG TÁC SINH VIÊN
Bộ môn đã và đang thực hiện nhiều công trình NCKH trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường và cấp Thành phố. Trong số đó, các công trình NCKH tiêu biểu gồm: Nghiên cứu các giải pháp chống hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa; Nghiên cứu các chất gia cố móng và mặt đường ô tô và sân bay; Nghiên cứu ứng dụng các vật liệu tái chế trong xây dựng mặt đường ô tô, sân bay và đường cao tốc; Nghiên cứu các giải pháp góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong đô thị; Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn về mặt đường của đường ô tô, đường cao tốc, và sân bay; Nghiên cứu vật liệu mới và công nghệ mới trong bảo trì mặt đường.
Bộ môn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác NCKH của sinh viên. Trong những năm gần đây, có rất nhiều đề tài NCKH của sinh viên Chuyên ngành đã được thực hiện thành công, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhiều đề tài NCKH của sinh viên đã giành các giải thưởng cao như Giải Nhì NCKHSV toàn quốc năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Giải Xuất sắc Công trình NCKH về Công nghệ và Năng lượng do Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) trao tặng, giải thưởng NCKH Euréka 2020, các giải thưởng NCKHSV cấp Trường, vv…
Ngoài ra trong những năm vừa qua, các sinh viên Chuyên ngành cũng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật và giải thưởng danh giá khác như Giải Nhất, Giải Nhì các kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc, Giải thưởng Honda YES các năm 2015, 2017 và 2018, Danh hiệu sinh viên 5 Tốt cấp Trung ương, cấp Thành phố, Danh hiệu tập thể sinh viên 5 Tốt cấp Trung ương năm 2020, Danh hiệu chi đoàn mạnh tiêu biểu Thủ đô năm 2021, giành các Học bổng nước ngoài như GSS, Daeyoun, HB Toyota, học bổng MEXT của chính phủ Nhật Bản, vv…
7.HỢP TÁC TRONG NƯỚC VÀ TRÊN THẾ GIỚI
Về hợp tác quốc tế, Bộ môn có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế: Đại học KYOTO - Nhật Bản, Đại học OSAKA - Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Nikken Sekkei - Nhật Bản, Tập đoàn PASCO - Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Công chính NILIM - Nhật Bản, Hiệp hội Đường bộ Nhật Bản, Công ty Tư vấn Sân bay Nhật Bản JAC, Viện Nghiên cứu sân bay KANSAI-Nhật Bản, Công ty Nichireki - Nhật Bản, Công ty Keangnam - Hàn Quốc, Công ty Quasco - Hoa Kỳ, Đại học Darmstadt - Đức, Đại học New Mexico State - Hoa Kỳ, Đại học MADI - Nga, vv…
Bộ môn hiện đang trực tiếp triển khai 2 chương trình nghiên cứu quốc tế lớn với các đối tác Nhật Bản tạo cơ hội cho sinh viên được tham gia cọ sát, nghiên cứu, học hỏi trong môi trường nghiên cứu và làm việc quốc tế. Nhiều sinh viên ra trường đã được nhận làm việc trong môi trường quốc tế tại Việt Nam và Nhật Bản.
Về hợp tác trong nước, Bộ môn chú trọng phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan Nhà nước, Doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty nhằm tư vấn, phối hợp giải quyết các vấn đề kỹ thuật của ngành đồng thời kết nối tạo cơ hội thực tập và việc làm tốt nhất cho sinh viên của ngành. Qua hợp tác, Bộ môn còn nắm bắt được nhu cầu của các đơn vị để tăng cường đào tạo theo nhu cầu.
Một số chương trình hợp tác tiêu biểu:
- Tham gia Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá, nghiệm thu các công trình trọng điểm trong ngành giao thông và lĩnh vực xây dựng.
- Hợp tác với Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong các nghiên cứu về cầu đường, phản biện và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vv…
- Hợp tác với các Tổng công ty CIENCO 1, CIENCO 4, CIENCO 5, CIENCO 8, HECO (TEDI), VINACONEX, Tổng công ty 319, Tổng công ty 36, Tổng công ty Lũng Lô,… trong việc tư vấn các giải pháp kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
- Hợp tác với Thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội trong việc quy hoạch, thiết kế các công trình giao thông, nghiên cứu các giải pháp giao thông cho thành phố Hà Nội đặc biệt là các giải pháp mới, nghiên cứu quản lý và bảo trì công trình giao thông trên địa bàn thành phố.
- Hợp tác với các Sở GTVT và các Ban Quản lý dự án các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Bình,… trong việc tư vấn đầu tư, thiết kế, xây dựng, khai thác các công trình giao thông.
- Hợp tác với Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý dự án 47, Ban Quản lý dự án Trường Sơn Đông trong việc tư vấn đầu tư, thiết kế, xây dựng, khai thác các công trình giao thông đặc biệt là 2 tuyến đường: (i) Đường vành đai biên giới với tổng chiều dài hơn 12000km các tuyến - dài nhất Việt Nam (dự kiến xây dựng trong 50 năm, hiện mới triển khai được khoảng hơn 10 năm); (ii) Đường Trường Sơn Đông.
- Hợp tác với các nhà đầu tư trong lĩnh vực giao thông trong việc tư vấn đầu tư, tư vấn thiết kế thi công, tư vấn khai thác bảo trì công trình.
- Hợp tác với các đơn vị trong ngành Hàng không: Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Tổng Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình Hàng không ADCC, Tổng Công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC, Công ty Tư vấn công trình Hàng không AEC, Hội Khoa học kỹ thuật công trình Hàng không VAAST, Ban QLDA Nhà ga T2 Nội Bài,… trong việc phản biện các quy hoạch, đề án, tiêu chuẩn; tư vấn đầu tư, xây dựng, sửa chữa, khai thác các công trình sân bay, cảng hàng không trong đó có các CHK lớn như: CHK Nội Bài, CHK Long Thành.
8.ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU
Các định hướng nghiên cứu chính và mũi nhọn của Bộ môn gồm có:
- Nghiên cứu các vật liệu và công nghệ mới trong xây dựng đường ô tô và sân bay;
- Nghiên cứu quy hoạch và thiết kế cảng hàng không, sân bay;
- Nghiên cứu công nghệ mới trong xử lý nền đất yếu cho công trình đường ô tô và sân bay;
- Nghiên cứu ứng dụng các vật liệu tái chế trong xây dựng mặt đường ô tô và sân bay;
- Nghiên cứu công nghệ kỹ thuật xây dựng để nâng cao chất lượng của mặt đường BTXM;
- Nghiên cứu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trong đô thị;
- Nghiên cứu hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong tổ chức và quản lý giao thông đô thị;
- Nghiên cứu vật liệu và công nghệ mới trong bảo trì mặt đường ô tô và sân bay.