Bộ môn Sức bền vật liệu
BỘ MÔN SỨC BỀN VẬT LIỆU
Địa chỉ : Phòng 303 – Nhà A6 – Trường ĐH GTVT
Điện thoại: 043.7660141
Website: http://sucbenvatlieu.vn/
Trưởng Bộ môn: PGS – TS. Lương Xuân Bính
1. Quá trình thành lập và phát triển
Tiền thân của Bộ môn Sức bền vật liệu là Bộ môn Cơ học được thành lập năm 1963 bao gồm các môn: Cơ học lý thuyết, Sức bền vật liệu và Cơ học kết cấu. Tháng 3 năm 1967, Bộ môn Cơ học được tách thành nhiều bộ môn và Bộ môn Sức Bền Vật liệu được chính thức thành lập.
Bộ môn Sức bền vật Liệu là một trong những bộ môn có bề dầy truyền thống, đội ngũ đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học nhiều kinh nghiệm, năng lực trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất, trong đó có 1 Giáo sư, 2 Phó giáo sư, 3 Tiến sĩ, 6 Thạc sĩ, 3 cán bộ giảng dạy đang làm nghiên cứu sinh.
Bộ môn được giao nhiệm vụ giảng dạy các môn học ở bậc đại học: Sức bền vật liệu, Lý thuyết đàn hồi, Cơ học vật rắn biến dạng, Phương pháp phần tử hữu hạn và Công tác thí nghiệm sức bền vật liệu; các môn học ở bậc sau đại học: Cơ học môi trường liên tục, Lý thuyết dẻo, Phương pháp phần tử hữu hạn, Phương pháp thực nghiệm công trình, Lý thuyết tấm và vỏ, Thanh thành mỏng, Cơ học vật liệu Composite.
Bộ môn đảm nhiệm quản lý đào tạo sau đại học với gần chục học viên cao học và nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án chuyên ngành Sức bền vật liệu & Cơ học kết cấu. Hiện nay Bộ môn đảm nhiệm quản lý đào tạo tiến sĩ ngành Cơ học vật rắn và Cơ học kỹ thuật.
Bộ môn Sức bền vật liệu là một trong những bộ môn hàng đầu trong trường mang lại những thành tích vẻ vang trong các kỳ thi Olimpic Cơ học Toàn quốc cho trường. Trong 23 kỳ thi Olimpic Sức bền vật liệu hàng năm với sự tham gia của các trường Đại học kỹ thuật trong cả nước thì đội tuyển Sức bền vật liệu của trường đã 8 lần đạt giải nhất, 5 lần giải nhì, 2 lần giải ba đồng đội và hàng chục giải nhất, nhì, ba cá nhân.
Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, Bộ môn Sức bền vật liệu đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học giầu tính thực tiễn phục vụ giảng dạy và sản xuất. Bộ môn tham gia kiểm định, thử tải đánh giá năng lực chịu tải hàng trăm cầu trên cả nước, trong đó có các công trình cầu lớn như Cầu Long Biên, Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương, Cầu Đuống, Cầu Hàm Rồng, Cầu Tràng Tiền, Cầu Bến Thuỷ, Cầu Phả Lại, Cầu Tân Đệ, Cầu Lục Nam, Cầu Long Đại, Cầu Trung Hà, Cầu Linh Cảm, thí nghiệm toa xe lửa ở Dĩ An v.v…
2. Thành tích
Bộ môn 18 lần được công nhận danh hiệu Tổ Lao động XHCN, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1994). Nhiều thành viên của bộ môn được tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba.
3. Các hướng nghiên cứu chính của Bộ môn
Các đề tài nghiên cứu khoa học, các đề tài luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ đang thực hiện tại Bộ môn Sức Bên Vật Liệu thuộc các hướng nghiên cứu chủ đạo sau đây:
· Nghiên cứu giải pháp và công nghệ kiểm định, đánh giá năng lực chịu tải và độ bền khai thác công trình nhà cửa, cầu, cống.
· Nghiên cứu giải pháp sửa chữa, gia cường kết cấu nhà, cầu, hầm, cảng bằng vải sợi thủy tinh, vải sợi các bon trong điều kiện thi công phức tạp.
· Nghiên cứu giải pháp bảo vệ chống xâm thực đối với kết cấu thép, bê tông cốt thép trong.
· Nghiên cứu ứng xử của kết cấu hệ thanh, tấm vỏ có tương tác với đất nền theo mô hình kết cấu có liên kết dị hướng.
· Nghiên cứu dịch chuyển và ổn định của kết cấu địa kỹ thuật công trình (mái dốc, tường chắn, nền móng) dưới tác dụng của tải trọng động đất.
· Nghiên cứu tính toán ứng xử của cọc trong nền đất với tương tác đất-cọc theo mô hình liên kết phi tuyến.
· Nghiên cứu chế tạo biển báo giao thông bằng vật liệu composite.
· Nghiên cứu tinh toán thiết kế tấm bản không đá balat trên đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.
· Nghiên cứu các giải pháp tối ưu cho kết cấu công trình.